Tên khác: Bạc hà nam, Húng cây
Tên khoa học: Mentha arvensis L.
Họ: Bạc hà (Lamiaceae)
1. Mô tả, phân bố :
Thân cỏ đứng, cao 30-60 cm, có thân ngầm, phân nhánh nhiều, cây có mùi thơm dễ chịu. Thân vuông, nhẹ, xốp, nhẵn, đường kính khoảng 0,2-0,4 cm. Thân chia đốt, khoảng cách giữa các mấu khoảng 3-7 cm, màu nâu tím hoặc xanh xám, có nhiều lông tơ ở đoạn non và nhẵn ở gần gốc. Mặt cắt ngang có màu trắng, thân già đôi khi rỗng ở giữa. Lá mọc đối chéo chữ thập, phiến lá hình bầu dục hai đầu nhọn, dài 3-6 cm, rộng 1,5-3 cm; cuống lá dài 0,5-1,5 cm, bìa lá có răng cưa nhọn khoảng 2/3 về phía trên. Gân lá hình lông chim, gân phụ 4-5 đôi, mặt trên xanh đậm hơn mặt dưới. Hai mặt đều có lông và có nhiều chấm nhỏ (lông tiết). Cụm hoa là xim co mọc ở nách lá phía ngọn cành; cụm hoa ở phía dưới gần hình cầu có đường kính 15-18 mm, cuống chung dài 2-5 mm; những cụm hoa phía trên gần ngọn hợp thành vòng giả. Lá bắc hình bầu dục thon hẹp, ngắn hơn hay bằng đài. Đài hình chuông, dài 2-2,5 mm, có các điểm tuyến và lông rải rác ở phía ngoài, 5 thùy nhọn, gần bằng nhau. Tràng màu trắng, dài 4-5 mm, nhẵn ở phía ngoài, có lông ở họng; 5 thùy, hợp với nhau thành ống ngắn phía dưới, 2 thùy phía trên lớn, dính nhau gần như hoàn toàn chỉ chia 2 thùy cạn giống như khuyết ở đỉnh, 3 thùy dưới nhỏ và xẻ thùy sâu hơn. Nhị 4, bằng nhau, thò khỏi tràng, chỉ nhị nhẵn, màu trắng. Bao phấn hình hạt đậu, màu vàng nâu, 2 ô song song, nứt dọc, hướng trong. Hạt phấn rời, hình cầu hay bầu dục, nhiều rãnh ngoằn nghèo, đường kính 27,5-30 μm. Lá noãn 2, bầu 2 ô, sau có vách giả chia thành 4 ô, mỗi ô 1 noãn, đính đáy. Vòi nhụy màu trắng dài hơn nhị, đầu nhụy xẻ 2 thùy. Quả bế tư đựng trong đài tồn tại, quả hình trứng, dài 0,6-0,8 mm, màu nâu
Cây Bạc hà Thường gặp ở các nước châu Âu, châu Á. Trồng ở hầu khắp các tỉnh và thành phố như: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Tây… Mùa hoa tháng 6-9, mùa quả tháng 10-11. Cây ưa sáng và ẩm, thích hợp với đất phù sa, đất thịt.
2. Bộ phận dùng:
Dược liệu dùng là lá hay cây đã bỏ rễ phơi khô(Folium et Herba Menthae arvensis) . Cây được chặt thành những đoạn dài tối đa là 30 cm. Loại bỏ tạp chất, phun nước cho hơi ẩm, ủ hơi mềm, cắt thành đoạn ngắn, sấy khô ở nhiệt độ thấp. Trước khi dùng có thể sao ở nhiệt độ thấp hơn 60 oC. Dược liệu có mùi thơm dễ chịu, vị cay nhẹ, sau mát.
3. Thành phần hóa học:
Tinh dầu bạc hà là hoạt chất chính với hàm lượng 0,5-1%. Tinh dầu không màu hay vàng nhạt, có mùi bạc hà đặc biệt, vị cay, sau mát. Tinh dầu bạc hà di thực vào Việt Nam chứa sabinen, myrcen, α-pinen, limonen, cineol, methylheptenon, menthon, isomenthol, menthyk acetat, neomenthol, menthol, isomenthon, pulegon.
4. Tác dụng dược lý - Công dụng:
Tinh dầu và menthol dùng trong trường hợp đau dây thần kinh, có tác dụng sát khuẩn mạnh. Dùng trong những bệnh ngoài da, tai mũi họng, ngứa. Đối với trẻ em, tinh dầu và menthol bôi mũi hay cổ họng có thể gây ngừng thở và tim ngừng đập. Bạc hà có tác dụng kháng vi khuẩn in vitro đối với các chủng vi khuẩn tả Vibrio cholerae. Các chất menthol và menthon ức chế sự vận động của đường tiêu hóa, làm giãn mao mạch.
Công dụng: Trị ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, nghẹt mũi, ho, viêm họng sưng đau, đau bụng đi ngoài. Tinh dầu và menthol có tác dụng sát khuẩn, xoa bóp nơi sưng đau như khớp xương, thái dương khi nhức đầu. Nước hãm lá dùng điều trị bệnh thấp khớp và chứng ăn không tiêu. Tinh dầu đã loại menthol được dùng làm nước thơm súc miệng, kem đánh răng.
Saturday, September 5, 2015
CÂY XUYÊN KHUNG
Tên khoa học: Ligusticum wallichii Franch.
Họ hoa tán: Apiaceae
Tên vị thuốc: Xuyên khung.
Tên khác: Tăng ky, Khung cùng.
1. Đặc điểm thực vật
Xuyên khung là loại cây nhỏ sống lâu năm, thân cao trên 1 m, mọc thành khóm thân cành rỗng, có đốt, thường có từ 7 - 9 đốt, đốt nổi thành u và có chồi. Lá mọc so le, hình kép lông chim, có khía sâu, mầu lá xanh nhạt, cuống lá có bẹ ôm lấy thân cây. Sau khi trồng 7 - 8 tháng cây ra hoa, hoa nhỏ mầu trắng, có nhiều cánh. Quả bế hình trắng, thân củ dùng làm dược liệu hình tròn nhưng không theo một quy cách nhất định nào, có nhiều rễ, khi khô vỏ xù xì.
Mùa hoa: tháng 7 - 10.
2. Điều kiện sinh thái và phân bố
Xuyên khung có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhập nội vào Việt Nam từ năm 1960. Trại thuốc Sapa, Trại thuốc Tam Đảo thuộc Viện Dược liệu đã tiến hành nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng trọt và nhân giống. Từ những kết quả đó đã đưa Xuyên khung vào sản xuất đại trà ở một số vùng núi cao của các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hoá.
Xuyên khung ưa khí hậu ôn hoà mát mẻ quanh năm, nơi có độ cao so với mặt nước biển từ 800 m trở lên. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 15- 20oC, nhiệt độ tối đa 33oC, tối thiểu - 2oC. Lượng mưa hàng năm từ 1500 - 2000 mm, ẩm độ không khí từ 70 - 90%. Cây ưa đất mầu mỡ, tơi xốp nhiều mùn, tầng canh tác dầy, độ pH từ 6,5 - 7,5. Cây không ưa đất nặng, nhiều sỏi đá, độ dốc quá lớn, thiếu ánh sáng.
3. Thành phần hoá học
Loài L. wallichii chứa 1% tinh dầu, dầu béo, axit ferulic và một hợp chất kết tinh. Một số loài khác có chứa các phthalid; butylphthalid, butylidenphthalid, ligustilid, hợp chất có N như ligustrazin, adenin, adenosin.
4. Bộ phận dùng làm thuốc
Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ (Rhizoma L.) của cây Xuyên khung.
5. Công dụng:
Theo y học cổ truyền
- Xuyên khung có vị cay, mùi thơm, tính ấm, quy vào 3 kinh: can, đởm, tâm bào, có tác dụng hành khí, điều kinh, hoạt huyết, trừ phong, giảm đau.
- Xuyên khung được chữa nhức đầu, hoa mắt, cảm mạo, phong thấp nhức mỏi, ngực bụng đầy trướng, phụ nữ sau khi đẻ bị rong huyết kéo dài.
- Trong y học cổ truyền Trung Quốc, Xuyên khung dùng chữa rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, đau kinh, đau bụng, đau nhói ở vùng ngực, vùng xương sườn, viêm đau do chấn thương, nhức đầu, đau khớp dạng thấp.
Theo y học hiện đại
- Các phthalid; butylphthalid, butylidenphthalid, ligustilid có tác dụng ức chế sự co bóp tử cung của chuột cống trắng không mang thai gây ra bởi prostaglandin và cũng biểu lộ hoạt tính chống loạn nhịp, gây giãn động mạch vành.
- Ligustrazin (tetramethylpyrazin) có một số tác dụng:
- Ức chế sự kết tập tiểu cầu do tác động đến các yếu tố gây đông máu và sự hình thành thromboxan, chuyển Ca2+ khỏi màng tiểu cầu. Do vậy, nó có khả năng dự phòng đông máu ở động mạch.
- Nghiên cứu về dược lí và lâm sàng cho thấy khả năng làm vi tuần hoàn trong mạc treo ruột thỏ, làm giãn mao mạch trên in vitro. Có tác dụng tốt trong điều trị bệnh tắc mạch máu não, nghẽn mạch não.
- Tác dụng ức chế sự co bóp của tử cung, nhưng tác dụng này bị phong bế bởi propranolol, không phong bế bởi cimetidin.
- Nghiên cứu lâm sàng trên 49 bệnh nhân bị bệnh tim phổi nặng, cho thấy kết quả điều trị như sau: Có tác dụng làm giảm huyết áp động mạch phổi và sức đề kháng của mạch máu phổi, hay tác dụng giãn mạch máu phổi và tăng chất lượng lưu huyết của bệnh tim phổi trong nghẽn phổi mãn tính.
- Axit ferulic trong Xuyên khung cũng có tác dụng ức chế sự co bóp cơ trơn tử cung.
- Cao và nước sắc Xuyên khung có tác dụng làm tăng khả năng biến dạng, tăng sức bền của hồng cầu.
- Rễ Xuyên khung có tác dụng chống đông máu chung, ức chế các giai đoạn đông máu nội sinh và ngoại sinh và sự tạo fibrin.
- Có tác dụng giảm huyết áp trên mèo gây mê bằng chloral hydrat, do tác dụng trực tiếp trên cơ trơn thành mạch.
- Xuyên khung còn có tác dụng giảm cholesterol máu trong mô hình gây tăng cholesterol máu ngoại sinh trên chuột nhắt và chuột cống trắng.
- Trong điều trị huyết khối não, Xuyên khung cho thấy tác dụng làm giảm độ nhớt của máu, độ nhớt của huyết thanh, tỷ lệ thể tích huyết cầu, tăng tốc độ điện di hồng cầu, giảm tỷ lệ kết tập tiểu cầu. Sau điều trị dài ngày, không thấy tác dụng không mong muốn.
- Nước sắc Xuyên khung có tác dụng ức chế co thắt cơ trơn ruột thỏ cô lập gây bởi histamin và acetylcholin, có tác dụng lợi tiểu.
- Tinh dầu Xuyên khung có tác dụng kháng khuẩn với một số chủng: phế cầu, liên cầu tan máu, tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh…
By:
Unknown
On 6:32 AM
Bach Chỉ
Tên khoa học : Radix Angelicae dahuricae
1. Định nghĩa dược liệu
Dược liệu dùng là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Bạch chỉ (Angelica dahurica (Fisch. ex Hoffm), Benth. et Hook.f.) hoặc (Angelica dahurica (Fisch. ex Hoffm) Benth. et Hook.f. var. formosana (Boiss.) Shan et Yuan, họ Cần (Apiaceae).
2. Đặc điểm thực vật
Cây cỏ, cao 0,5-1m hay hơn, sống lâu năm, thân hình trụ, rỗng, không phân nhánh. Lá to, có cuống, phần dưới phát triển thành bẹ ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2-3 lần lông chim, mép khía răng, có lông ở gân lá mặt trên. Cụm hoa tán kép, mọc ở ngọn, hoa nhỏ màu trắng. Quả bế, dẹt, toàn cây có mùi thơm (Cây Bạch chỉ).
3. Thành phần hoá học
Bạch chỉ chứa tinh dầu trong tinh dầu có các thành phần: α-pinen, β-pinen, camphen, myrcen, α-phelandren, α-terpinen, terpinolen, caryophylen*, ligustilid...và các hợp chất sesquiterpen.
Ngoài tinh dầu, trong rễ củ Bạch chỉ có các dẫn chất coumarin:
Angenomalin, Anomalin, Bergapten, Marmesin, Scopoletin*, Byak-angelicin, Byak-angelicol, Oxypeucedanin, Imperatorin, Isoimperatorin, Phellopterin, Xanthotoxin, Anhydrobyakangelicin, Neobyakangelicol.
4.1 Đặc điểm dược liệu:
Rễ nguyên, ít khi phân nhánh, thẳng hoặc hơi cong, đầu trên mang vết tích của cổ rễ, đầu dưới nhỏ dần, mặt ngoài vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc, có dấu vết của rễ con và nhiều chỗ sần sùi nhô lên. Chất cứng chắc, khó bẻ, vết bẻ nhiều bột, mùi hắc, vị hơi cay (Vị thuốc Bạch chỉ).
4.2 Đặc điểm vi học
Ðặc điểm vi phẫu
Mặt cắt rễ tròn. Từ ngoài vào trong có: Lớp bần gồm những tế bào hình chữ nhật xếp thành các vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm. Mô mềm vỏ cấu tạo từ những tế bào thành mỏng, rải rác có các khuyết, các tế bào ở phía ngoài thường bị ép bẹp. Libe tạo thành các bó sít nhau. Trong libe rải rác có các ống tiết. Tầng phát sinh libe-gỗ tạo thành vòng rất rõ. Các mạch gỗ lớn tập trung thành các dãy hướng tâm trong mô mềm gỗ không hoá gỗ. Tia tuỷ rộng gồm 5-10 dãy tế bào (Vi phẫu rễ Bạch chỉ).
Ðặc điểm bột dược liệu
Bột màu trắng ngà, mùi hắc, vị cay hơi đắng. Soi kính hiển vi thấy rất nhiều hạt tinh bột hình tròn hoặc hình khối nhiều mặt, riêng lẻ (2) hay tập trung thành đám trong tế bào mô mềm (1), các mảnh mạch mạng hoặc mạch vạch (3) (Một số đặc điểm bột Bạch chỉ).
5. Tác dụng và công dụng
Bạch chỉ có tác dụng làm hạ sốt, giảm đau. Liều nhỏ làm tăng huyết áp, mạch chậm, hơi thở kéo dài, liều cao có thể gây co giật, tê liệt toàn thân khi thí nghiệm trên súc vật. Bạch chỉ có tác dụng làm giãn động mạch vành Tác dụng kháng khuẩn đối với một số vi khuẩn: Escherichia coli, Shigella dysenteriae và Salmonella typhi.
Trong đông y dùng để chữa cảm sốt, nhức đầu, đặc biệt vùng trán, ngạt mũi do bị lạnh. Chữa đau nhức răng, bị thương tích viêm tấy. Chữa khí hư ở phụ nữ. Ngày dùng: 5-10g.
6. Ghi chú
Bạch chỉ là một vị thuốc được dùng trong các bài thuốc chữa nhức đầu, cảm mạo. Nước ta có di thực và trồng Bạch chỉ ở nhiều địa phương. Bạch chỉ trồng ở vùng mát (SaPa, Tam Ðảo) thường có củ lớn hơn, Bạch chỉ trồng ở đồng bằng thường ra hoa sớm, phần lõi bị hoá gỗ nhiều.
Ðể giả mạo Bạch chỉ ở Trung Quốc người ta dùng rễ của một số cây trong họ Cần như: Heracleum scabridum ?Franch.; Seseli mairei Wolff.
Y học cổ truyền nước ta có sử dụng vị dược liệu mang tên Bạch chỉ nam, là rễ của cây Bạch chỉ nam (Millettia pulchra Kurz.), họ Ðậu (Fabaceae). Cây mọc hoang nhiều ở các vùng rừng núi phía Bắc (Cây Bạch chỉ nam). Bạch chỉ nam dùng cùng một số vị thuốc khác chữa đau bụng, đi ngoài, chú ý phân biệt
By:
Unknown
On 6:21 AM
Subscribe to:
Posts (Atom)