Saturday, October 8, 2016

BÁCH BỘ (Rễ)

Tên khoa học : Radix Stemonae tuberosae

Rễ củ đã phơi hoặc sấy khô của cây Bách bộ (Stemona tuberosa Lour.), họ Bách bộ (Stemonaceae).

1. Mô tả

Rễ củ hình trụ cong queo, dài 10 - 20 cm, đường kính 1 - 2 cm. Thường để nguyên cả rễ củ hoặc cắt đôi theo chiều ngang hay bổ đôi theo chiều dọc. Đầu trên đôi khi còn vết tích của cổ rễ, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang thấy mô mềm vỏ khá dày, màu vàng nâu; lõi giữa màu trắng ngà.
Đào lấy rễ củ lúc trời khô ráo, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ ở hai đầu, đem đồ vừa chín hoặc nhúng nước sôi. Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ đôi rồi phơi nắng hoặc sấy ở 50 - 60oC.

2. Bào chế

Lấy Bách bộ khô, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi khô.Bách bộ tẩm mật: Lấy lát Bách bộ khô, trộn đều với mật ong luyện và một ít nước sôi, ủ 30 phút cho ngấm đều, sao nhỏ lửa cho tới không dính tay, lấy ra để nguội. Cứ 100 kg Bách bộ thái lát dùng 12,5 kg mật ong.

3. Tính vị, quy kinh

Cam, khổ, vi ôn. Vào kinh phế.

4. Công năng, chủ trị

Bách bộ Ôn phế, nhuận phế, chỉ ho, sát trùng. Chủ trị: Ho mới hoặc ho lâu ngày, ho gà, ho lao, viêm phế quản mạn tính. Dùng ngoài trị chấy, rận, ghẻ lở, giun kim, ngứa âm hộ.

5. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 8 - 12 g, dạng thuốc sắc, cao, viên hoặc bột.Dùng ngoài: Lượng thích hợp. Nấu lấy nước để rửa hoặc nấu cao để bôi, xoa.

6. Kiêng kỵ

Tỳ vị hư hàn không dùng.

BÁ TỬ NHÂN

Tên khoa học: Semen Platycladi orientalis
Là hạt trong "nón cái" già (còn gọi là "quả") được phơi hay sấy khô của cây Trắc bá (Platycladus orientalis (L.) Franco), họ Hoàng đàn (Cupressaceae).

1. Mô tả

Hạt hình trứng dài hoặc bầu dục hẹp, dài 4 -7 mm, đường kính 1,5 - 3 mm. Mặt ngoài màu trắng vàng nhạt hoặc màu vàng nâu nhạt, có phủ một vỏ lụa dạng màng, đỉnh hơi nhọn, có một điểm nhỏ màu nâu thẫm, đáy tròn tù. Chất mềm, nhiều dầu. Mùi thơm nhẹ, vị nhạt.
Thu hoạch vào mùa thu và mùa đông. Khi hạt chín, thu hái "quả", lấy hạt phơi khô.

2. Bào chế

Bá tử nhân: Loại bỏ tạp chất và vỏ "quả" còn sót lại.
Bá tử sương: Lấy Bá tử nhân sạch, giã nát, gói vào giấy thấm, sấy cho hơi khô, ép bỏ hết dầu, giã nhỏ.

3. Tính vị, quy kinh

Cam, bình. Vào các kinh tâm, thận, đại trường.

4. Công năng, chủ trị

Dưỡng tâm, an thần, chỉ hãn, nhuận tràng. Chủ trị: Hư phiền mất ngủ, hồi hộp đánh trống ngực, âm hư, ra mồ hôi trộm, táo bón.

5. Cách dùng, liều lượng

Ngày uống 3 - 12 g.

BA KÍCH (Rễ)


Tên khoa học: Radix Morindae officinalis
Tên khác : Dây ruột gà
 Là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Ba kích (Morinda officinalis How), họ Cà phê (Rubiaceae).


1. Mô tả

Rễ hình trụ tròn hay hơi dẹt, cong queo, dài 3 cm trở lên, đường kính 0,3 cm trở lên. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc nâu nhạt, có nhiều vân dọc và ngang. Nhiều chỗ nứt ngang sâu tới lõi gỗ. Mặt cắt có phần thịt dày màu tím xám hoặc màu hồng nhạt, giữa là lõi gỗ nhỏ màu vàng nâu, vị hơi ngọt và hơi chát. Có thể đào lấy rễ quanh năm. Rễ được rửa sạch đất cát, loại bỏ rễ con, phơi khô tới khi không dính tay, đập nhẹ cho bẹp, phơi đến khô hoặc sấy nhẹ đến khô.

2. Bào chế

Ba kích nhục: Lấy Ba kích sạch đồ kỹ hoặc luộc qua, khi còn đang nóng rút bỏ lõi gỗ, cắt đoạn, phơi khô.
Diêm ba kích nhục: Lấy Ba kích sạch trộn với nước muối ăn cho đều, đồ kỹ, rút lõi gỗ, cắt đoạn phơi khô. Cứ 100 kg Ba kích dùng 2 kg muối và lượng nước vừa đủ hòa tan, lọc trong.
Chích ba kích: Lấy Cam thảo giã dập, sắc lấy nước, bỏ bã; Cho Ba kích sạch vào, đun đến khi mềm xốp có thể rút lõi gỗ, lấy ra rút lõi khi còn nóng, cắt đoạn, phơi khô. Cứ 100 kg Ba kích dùng 6 kg Cam thảo.

3. Tính vị, quy kinh

Cam, tân, vi ôn. Vào kinh thận.

4. Công năng, chủ trị

Ba kích bổ thận dương, mạnh gân xương.
Chủ trị: Liệt dương, di tinh, tử cung lạnh, phụ nữ khó mang thai, kinh nguyệt không đều, bụng dưới đau lạnh; phong thấp tê đau, gân xương mềm yếu.

5.Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 - 9 g. Dạng thuốc sắc.

6.Kiêng kỵ
Âm hư hỏa vượng, táo bón không nên dùng.

ACTISÔ


Tên khoa học:  Folium Cynarae scolymi
 Lá phơi hoặc sấy khô của cây Actisô ( Cynara scolymus L.) họ Cúc (Asteraceae).



1.Mô tả
 Lá nhăn nheo, dài khoảng 1 - 1,2 m, rộng khoảng 0,5 m hay được chia nhỏ. Phiến lá xẻ thuỳ sâu hình lông chim, mép thuỳ khía răng cưa to, đỉnh răng cưa thường có gai rất nhỏ, mềm. Mặt trên lá màu nâu hoặc lục, mặt dưới màu xám trắng, lồi nhiều và những rãnh dọc rất nhỏ, song song. Lá có nhiều lông trắng vón vào nhau. Vị hơi mặn và hơi đắng.
 Lá được thu hái vào năm thứ nhất của thời kỳ sinh trưởng hoặc cuối mùa hoa, đem phơi hoặc sấy khô ở 50  – 60 0C. Lá cần được ổn định trước rồi mới bào chế thành dạng thuốc, có thể dùng hơi nuớc sôi có áp suất cao để xử lý nhanh lá. Sau đó phơi hoặc sấy khô.

2. Bảo quản
Để nơi khô ráo, thoáng mát, phòng ẩm mốc.

3. Tính vị, quy kinh
Khổ, lương. Vào các kinh can, đởm.

4. Công năng, chủ trị
Lợi mật,chỉ thống.
Chủ trị: Tiêu hoá kém, viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật.

5. Cách dùng, liều lượng 
 Ngày dùng 8 -10 g, dạng thuốc sắc.

Contributors

Powered by Blogger.

 

© 2015 Dược Liệu Việt Nam. All rights resevered. Designed by Templateism

Back To Top